Chào mừng quý khách đên với Viet Herbs corp

75 TL15 st. , Thanh Loc ward, Dist. 12. HCM city

Cây bụp giấm (bụt giấm), tên dân gian “ Vô Thường” , tên khoa học là Hibiscus sabdariffa, họ Bông Malvaceae, có nguồn gốc ở Tây Phi và được người dân bản xứ trồng nhiều để lấy lá và đài hoa làm rau chua. Nó được du nhập vào Việt nam vì có hoa đẹp nên được trồng làm cảnh. Nhưng hiện nay, bụp giấm trở thành một thảo dược quý vì có nhiều giá trị cao trong dinh dưỡng cũng như trong y học. Chủ yếu trồng bụp giấm để thu hoạch đài hoa khô xuất khẩu, cây dễ trồng không kén đất và khí hậu, đài hoa bụp giấm đã được dân gian sử dụng từ lâu và cũng được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới khẳng định nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.

             Do sử dụng lá đài nên nhiều nước thường sản xuất bụp giấm ở dạng trà cho dễ uống. Thức uống này phổ biến trên thế giới và họ thưởng thức cả dạng nóng và lạnh. Nó được gọi với một tên thông dụng là rosella, người Châu Mỹ La tinh gọi là jamaica, karkady ở Trung Đông, bissap ở Tây Phi, cây me chua đỏ ở vùng biển Caribbean, Việt nam gọi là bụp giấm vì nó giống cây dâm bụt nhưng có vị chua như giấm, và nhiều tên khác nữa. Trà bụp giấm có một hương vị chua giống như quả nam việt quất và người ta thường pha thêm ít đường thành một thức uống giải khát nhẹ nhàng dễ hấp thu, giải nhiệt và kích thích tiêu hóa.

        Kết quả phân tích thành phần của hoa bụp giấm chứa nhiều vitamin C, vitamin A, khoáng chất và khoảng 15-30% axit hữu cơ, bao gồm axit citric, axit malic, axit tartric, acid hibiscus… Hàm lượng polysaccharides cũng khá cao, ngoài ra còn nhiều các hoạt chất sinh học thuộc nhóm flavonoid glycosides polyphenol, gồm hibiscitrin, hibiscetin, gossypitrin và sabdaritrin, đặc biệt là cyanidin, delphinidin, chính những chất này mang lại màu đỏ đặc trưng của hoa. Riêng chất dầu ép từ hạt bụp giấm có tác dụng chống nấm và bệnh ngoài da. Dầu chứa nhiều vitamin E và các chất béo không no, có tác dụng tốt đối với người cao tuổi và người kiêng ăn.

Các nghiên cứu trên thế giới

     Tại Ấn Độ, châu Phi và Mexico, người ta sử dụng toàn cây bụp giấm để làm thuốc. Dịch ép từ lá hoặc đài hoa được coi là thuốc lợi tiểu, lợi mật, hạ nhiệt và hạ huyết áp, nó giúp giảm độ nhớt của máu và kích thích nhu động ruột. Đầu thập niên thế kỷ 20, các nhà dược lý học ở Senegal nghiên cứu dịch chiết hoa bụp giấm có tác dụng giảm huyết áp và điều hòa cholesterol trong máu rất tốt. Đến năm 1962, Sharaf xác nhận lại lần nữa tác động hạ huyết áp của bụp giấm và còn chứng minh thêm tác dụng chống co thắt, tẩy ký sinh trùng đường ruột và kháng khuẩn. Ba năm sau, Sharaf và các cộng sự tiếp tục chứng minh cả hai dịch chiết nước và cồn của hoa bụp giấm còn có tác dụng kháng Mycobacterium tuberculosis. Một thí nghiệm nữa cũng chứng minh dịch chiết nước hoa bụp giấm còn giúp làm giảm độ hấp thu của rượu vào máu vì vậy đàn ông ở xứ Guatemala thường uống trà rosella là một phương pháp để giải rượu khi “quá chén”. Ở Đông Phi, họ gọi dịch nước ép từ hoa bụp giấm là trà Sudan để chữa ho. Trà rosella thêm ít muối, tiêu, a ngùy và mật mía là một phương thuốc để chữa bệnh vàng da ứ mật. Các nhà nghiên cứu Malaixia còn chứng minh nước ép từ lá đài tươi của bụp giấm có tác dụng bổ dưỡng và phòng ngừa một số bệnh ung thư. Ở Thái Lan, lá đài bụp giấm phơi khô sắc uống là bài thuốc lợi tiểu mạnh và chữa sỏi thận.

Theo y học cổ truyền, nhai lá hoặc đài hoa bụp giấm có tác dụng chữa viêm họng, ho. Vị chua hơi ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, liễm phế, chỉ khái, dùng chữa ho, các bệnh gan mật, cao huyết áp, phòng bệnh tim và chống xơ cứng động mạch, bị chảy máu chân răng, liều dùng 10-15g mỗi ngày sắc nước uống. Dân gian còn dùng làm rau ăn, nấu canh chua, thay thế cho giấm, làm mứt, nước giải khát, xi rô, rượu (màu như rượu vang)

– Chống béo phì, bụp giấm có tác dụng ức chế men amylase, vì vậy uống một chén trà bụp giấm sau bữa ăn sẽ làm giảm sự hấp thu đường và tinh bột nhờ đó góp phần giảm cân.

– Chống cảm lạnh, cúm, chính nhờ hàm lượng vitamin C rất cao và sự hiệp đồng của các acid hữu cơ nên bụp giấm có tác dụng kháng khuẩn và giúp cơ thể tăng sức đề kháng và hoạt động hệ miễn dịch, ít bị nhiễm các bệnh cảm cúm và các bệnh thông thường.

– Chống táo bón, ngừa bệnh trĩ, nhờ hàm lượng chất xơ cao trong bụp giấm.

Tóm lại bụp giấm đang được quan tâm nhiều vì nó góp phần cải thiện cho sức khỏe, ngoài tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, giải độc, chống oxy hóa tế bào, nó còn tốt cho hệ tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, hô hấp, gan mật … ăn hoặc uống mỗi ngày dạng tươi hay khô với liều trung bình 5-10g là đủ. Hiện nay người ta còn nghiên cứu chiết xuất chất màu trong hoa bụp giấm để làm màu tự nhiên trong chế biến thực phẩm, phẩm nhuộm thay thế cho các loại phẩm màu từ hóa chất độc hại cho sức khỏe con người.

Tuy nhiên dù vậy cũng không nên tin nó như thần dược vì khi sử dụng có thể xảy ra sự tương tác với các trường hợp sau đây:

Do tính lợi tiểu nhẹ của bụp giấm nên có thể tăng nguy cơ độc tính với người đang dùng thuốc giảm đau chống viêm, sự giảm kali huyết gây đối kháng với thuốc chống loạn nhịp tim và thuốc giãn cơ, thuốc hạ đường huyết, thuốc hạ huyết áp, người đang trị liệu với lithium và corticoid. Nếu bệnh nhân phải chuẩn bị phẫu thuật thì không nên dùng trà bụt giấm trước khi dùng thuốc gây mê vì sẽ làm tụt huyết áp. Không nên dùng chung với các thuốc lợi tiểu khác vì sẽ gây giảm kali huyết mạnh. Theo Bản tin đăng trong tháng 2 năm 1995 của “Australian Food Plants Study Group” một vài trường hợp có cảm giác khó thở và cảm giác tim đập khó khăn sau khi dùng bụp giấm trong vài ngày là do dị ứng với thảo dược này hoặc những cây cùng loại. Cần phải ngưng sử dụng và nên tìm hiểu kỹ tác dụng của bụp giấm trước khi sử dụng để tránh những hậu quả không mong muốn.

 

Lê Kim Phụng

Nguyên trưởng Bộ môn Dược liệu

Khoa YHCT – ĐH Y DƯỢC TP.HCM

Từ khóa:

Để lại bình luận